Làm sao để ngừa viêm gan B hiệu quả?

Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan vi rút 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Vì vậy khi nhắc viêm gan vi rút B (VGVR B) được cho là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra.

Dưới đây là một số những câu hỏi và thông tin giúp bạn có thể ngăn ngừa và phòng tránh lây nhiễm viêm gan B.

1. Tôi có thể bị nhiễm viêm gan B từ đâu?

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn lây lan qua máu. Dưới đây là những con đường lây truyền viêm gan B cho người khác thường gặp nhất:

  • Tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm bệnh hoặc dịch cơ thể bị nhiễm bệnh 
  • Từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang bé mới sinh trong thai kỳ hoặc trong khi sinh 
  • Quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh 
  • Dùng chung hoặc dùng lại kim tiêm (ví dụ: dùng chung kim tiêm để tiêm ma túy hoặc dùng lại kim tiêm chưa được khử trùng đúng cách để tiêm thuốc, châm cứu, xăm, hoặc xỏ lỗ tai/cơ thể) 
  • Thiết bị y tế hoặc kim tiêm chưa được khử trùng có thể được sử dụng bởi bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ cắt tóc vỉa hè

2. Viêm gan B có dễ lây không?

Không, viêm gan B không lây qua tiếp xúc bình thường. Bạn không thể bị lây viêm gan B từ không khí, do ôm, đụng chạm, hắt hơi, ho, ghế bồn cầu hoặc núm cửa. Bạn không thể bị lây viêm gan B do ăn hoặc uống cùng người bị nhiễm bệnh hoặc do ăn thực phẩm mà người bị viêm gan B chuẩn bị.

3. Ai dễ bị nhiễm viêm gan B nhất?

Mặc dù mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, có một số người dễ bị nhiễm bệnh hơn. Công việc, lối sống của bạn, hoặc đơn giản chỉ do sinh ra trong một gia đình bị viêm gan B có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh của bạn. Đây là một số nhóm "nguy cơ cao" thường gặp nhất -- nhưng xin nhớ rằng đây không phải là danh sách đầy đủ:

  • Những người kết hôn với hoặc sống cùng hộ gia đình có tiếp xúc gần gũi với người bị viêm gan B. Nhóm này bao gồm cả người lớn và trẻ em.
  • Những người sinh ra ở các nước mà viêm gan B là thường gặp, hay có cha mẹ được sinh ra ở các nước mà viêm gan B là thường gặp (Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông). 
  • Những người sống trong hoặc đi đến các nước mà viêm gan B rất thường gặp (Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông).
  • Người lớn và thanh thiếu niên có hoạt động tình dục 
  • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới 
  • Trẻ sơ sinh sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh 
  • Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người khác tiếp xúc với máu trong công việc.
  • Nhân viên cấp cứu 
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
  • Người cư trú và nhân viên của nhà tập thể, viện, hoặc cơ sở cải huấn.
  • Người được truyền máu trước năm 1992, hoặc những người được truyền máu chưa sàng lọc thích đáng gần đây
  • Người tiêm chích ma túy trong quá khứ và hiện tại 
  • Người được xăm hình hoặc xỏ lỗ cơ thể 
  • Những người sử dụng bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ cắt tóc vỉa hè

4. Vắc-xin viêm gan B có những khuyến cáo nào?

Vắc-xin viêm gan B được khuyến cáo cho tất cả các trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh (CDC) Hoa Kỳ. CDC cũng khuyến cáo người lớn ở các nhóm có nguy cơ cao được chủng ngừa.

Vắc-xin viêm gan B là một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh khi sinh và cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vắc-xin viêm gan B cũng được khuyến cáo cho người lớn sống chung với tiểu đường và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao do công việc, lối sống, hoàn cảnh sống, hoặc quốc gia nơi sinh. Vì mọi người đều có nguy cơ nhất định, tất cả người lớn nên nghiêm túc cân nhắc tiêm vắc-xin viêm gan B để bảo vệ suốt đời khỏi bệnh gan mạn tính có thể phòng ngừa.

5. Vắc-xin viêm gan B có an toàn không?

Có, vắc-xin viêm gan B rất an toàn và hiệu quả. Trên thực tế, nó là “vắc-xin chống ung thư” đầu tiên vì nó có thể bảo vệ bạn khỏi viêm gan B, là nguyên nhân gây ra 80% các ca ung thư gan trên thế giới.

Với hơn một tỷ mũi được sử dụng trên toàn thế giới, các nghiên cứu y khoa và khoa học đã cho thấy vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc-xin an toàn nhất từ trước đến nay.

 6. Tôi có thể bị nhiễm viêm gan B từ vắc-xin không?

Không, bạn không thể bị nhiễm viêm gan B từ vắc-xin. Vắc-xin này được làm từ một sản phẩm men tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đỏ da và đau nhức ở cánh tay nơi tiêm vắc-xin.

7. Lịch tiêm phòng vắc-xin viêm gan B như thế nào?

Vắc-xin viêm gan B có sẵn tại phòng khám của bác sĩ và sở y tế hoặc phòng khám tại địa phương. Thường cần ba mũi để hoàn tất loạt vắc-xin viêm gan B, mặc dù có loạt hai mũi nhanh cho trẻ vị thành niên từ 11 đến 15 tuổi, và có một vắc-xin 2 mũi mới đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ để sử dụng cho người lớn trong năm 2017. Điều quan trọng là phải nhớ rằng con sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh phải được tiêm mũi vắc-xin viêm gan B thứ nhất trong phòng sinh hoặc trong vòng 12 giờ sau khi sinh.

Mũi tiêm Thứ nhất - Vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng trẻ mới sinh nên được tiêm mũi này trong phòng sinh

Mũi tiêm Thứ hai – Tối thiểu một tháng (hoặc 28 ngày) sau mũi tiêm thứ nhất

Mũi tiêm Thứ ba – Sáu tháng sau mũi tiêm thứ nhất (hoặc tối thiểu 2 tháng sau mũi tiêm thứ hai)

Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ ba phải ít nhất 16 tuần. Nếu lịch tiêm phòng vắc-xin của bạn bị chậm, bạn không cần phải tiêm lại loạt vắc-xin, bạn có thể tiêm tiếp tục mũi tiêm còn lại trong loạt – ngay cả khi thời gian nghỉ giữa các mũi là nhiều năm.

Để chắc chắn rằng bạn được bảo vệ khỏi viêm gan B, hãy yêu cầu một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra “độ chuẩn kháng thể viêm gan B” (HBsAb) để xác nhận liệu chủng ngừa có thành công không.

8. Tôi còn có thể làm gì để tự bảo vệ khỏi viêm gan B?

Vì viêm gan B lây lan qua máu bị nhiễm bệnh và dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, có một vài điều đơn giản mà bạn có thể làm để tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh cho đến khi hoàn tất chủng ngừa:

  • Tránh động chạm trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể 
  • Sử dụng bao cao su với bạn tình 
  • Không dùng ma túy và lạm dụng thuốc theo toa, bao gồm việc tiêm các loại thuốc như vậy 
  • Tránh dùng chung các vật sắc nhọn như dao cạo, bàn chải đánh răng, bông tai, và cắt móng tay 
  • Đảm bảo kim và dụng cụ khử trùng được sử dụng cho y khoa, nha sĩ, châm cứu, xăm, xỏ lỗ tai và cơ thể 
  • Mang găng tay và sử dụng dung dịch tẩy trắng và nước để làm vệ sinh vết máu 
  • Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sau khi đụng chạm hoặc làm vệ sinh vết máu 
  • Quan trọng nhất là đảm bảo rằng bạn được tiêm vắc-xin viêm gan B!

Các câu hỏi được tổng hợp từ hepb.org


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng